Nghề thiết kế chương trình đào tạo

Nghề thiết kế chương trình đào tạo

 

Bạn chưa từng nghe về nghề này? Bạn tò mò muốn biết nghề này thực chất là làm gì? Bạn muốn làm nghề này? Nếu bạn trả lời ‘Yes’ cho 1 trong 3 câu hỏi, bài viết dưới đây là dành cho bạn!

Tôi là một người thiết kế chương trình đào tạo chuyên nghiệp (Instructional Designer). Tôi đã gắn bó với công việc này hơn 20 năm. Có thể nói tôi đã dành hầu hết sự nghiệp của mình cho nghề này. Tôi gắn bó với nó bởi vì tôi yêu nó.

Thế nhưng mỗi khi phải kê khai về nghề nghiệp, hoặc trả lời câu hỏi “bạn làm nghề gì?” của ai đó, tôi thường trả lời một cách qua quít là: “Kế toán”. Bởi vì đó là một câu trả lời đơn giản, ai cũng hiểu, và không cần giải thích gì thêm. Có lẽ sự lười biếng của tôi cũng góp phần làm cho nghề này ít được biết đến ở Việt Nam.

Thiết kế chương trình đào tạo là gì?

Khái niệm thiết kế chương trình đào tạo ra đời từ sau Thế chiến thứ 2, những năm 1950, khi quân đội Mỹ muốn phát triển các phương pháp huấn luyện hiệu quả hơn. Việc này đã thúc đẩy sự phát triển các lý thuyết và phương pháp dạy hiệu quả sau đó.

Thiết kế chương trình đào tạo là quá trình tạo ra một trải nghiệm học hiệu quả, cho một đối tượng cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu của người học đồng thời đạt được những mục tiêu đề ra. Hiện nay thiết kế chương trình đào tạo (Instructional Design) còn được gọi là Learning Design hoặc Learning Experience Design.

thiết kế chương trình đào tạo

 

Người thiết kế chương trình đào tạo (Instructional Designer) làm gì?

Người thiết kế chương trình đào tạo (ID) cũng giống như một đầu bếp. Để nấu được những món ăn ngon, người đầu bếp phải biết được khẩu vị của thực khách, lựa chọn được những nguyên liệu phù hợp nhất, và chế biến đúng cách.

Để tạo ra một trải nghiệm học hiệu quả, ID trước tiên phải hiểu rõ nhu cầu của người học. ID sẽ phải trả lời một loạt các câu hỏi, ví dụ như: họ đang cần giải quyết vấn đề gì? họ cần học gì? họ đã biết gì rồi? họ thích học như thế nào?… Dựa trên những hiểu biết về người học, ID sẽ xác định những mục tiêu cụ thể cho chương trình đào tạo.

Mục tiêu đào tạo chính là cơ sở để xây dựng nội dung chương trình cũng như lựa chọn các phương pháp đào tạo phù hợp.

Một điều thú vị là ID có thể thiết kế được các chương trình đào tạo mà không cần phải có hiểu biết về nội dung đào tạo. Tôi từng thiết kế các chương trình đào tạo về Tiết kiệm năng lượng, An toàn lao động, Cứu trợ nhân đạo ở những vùng xung đột, mà không hề có chuyên môn gì trong các lĩnh vực này.

Thông thường ID sẽ làm việc với các chuyên gia về nội dung (Subject Matter Expert)để nhận nội dung phù hợp với mục tiêu đào tạo. Nội dung chính là nguyên liệu thô, ID sẽ chế biến chúng, nêm nếm gia vị sao cho vừa với khẩu vị của người học. Sau khi nhận nội dung, ID sẽ thiết kế chiến lược truyền đạt để đảm bảo hiệu quả nhất.

Ví dụ: Cần chuẩn bị gì cho người học trước khi đến lớp? Phần nội dung nào thì phải thuyết giảng? Chỗ nào cần khai thác kinh nghiệm của người học? Khi nào phải đan xen các trò chơi? Việc ứng dụng sẽ được thực hiện như thế nào? Làm thế nào để đánh giá kết quả chương trình?

Người thiết kế chương trình cũng không nhất thiết phải trực tiếp giảng dạy. Sau khi thiết kế xong, ID sẽ chuyển giao chương trình đào tạo cho các giảng viên và những người liên quan để thực hiện.

Sản phẩm mà ID tạo ra thường bao gồm:

  • Hướng dẫn tổ chức chương trình dành cho người điều phối
  • Hướng dẫn giảng dạy dành cho giảng viên (Trainer’s Manual)
  • Tài liệu dành cho học viên

Đến đây, hy vọng bạn đã hiểu rõ công việc của một ID, và chắc hẳn bạn cũng hiểu vì sao tôi ngại giải thích về công việc của mình với mọi người.

thiết kế chương trình đào tạo

 

Vẻ đẹp và thách thức của nghề này là gì?

Sẽ là thiếu sót nếu tôi giới thiệu với bạn về nghề thiết kế chương trình đào tạo mà không chia sẻ với bạn một số cảm nhận mang tính cá nhân về nó. Có 3 điểm quan trọng nhất khiến công việc này giữ chân tôi trọn đời:

  • Cơ hội học hỏi: công việc này cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, được nghe những chia sẻ tâm huyết của họ, được quyền yêu cầu họ giải thích cho đến khi nào mình hiểu mới thôi (vì họ phải xem tôi là người học đầu tiên của họ). Ngoài các chuyên gia về nội dung, tôi cũng thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp, tham gia giải quyết những vấn đề kinh doanh của họ.
  • Sự sáng tạo: công việc này không có giới hạn về sự sáng tạo. Cùng một chủ đề nhưng đối tượng học viên khác nhau thì chiến lược tiếp cận có thể hoàn toàn khác nhau. Tính sáng tạo luôn được chào đón trong các chương trình đào tạo.
  • Sự linh hoạt: không cần lên lớp, không cần đến văn phòng, bạn có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Lúc muốn được gần thiên nhiên, tôi có thể xách máy tính rồi lên rừng hay xuống biển để làm việc cả tuần. Tôi có thể ngồi ở Việt Nam mà vẫn xây dựng được các chương trình đào tạo thực hiện ở châu Phi, Trung Đông.

Tuy nhiên, đời không chỉ màu hồng, công việc nào cũng có những thách thức riêng của nó. Thách thức đầu tiên là hiểu đúng nhu cầu của đối tượng học viên. Bạn sẽ gặp nhiều đối tượng học viên khác nhau, và thường thì học viên không xác định được nhu cầu học của mình một cách chính xác. Cũng giống như người bệnh, không xác định được mình bị bệnh gì, mà chỉ có thể nói cho bác sĩ nghe về các triệu chứng. Bạn cần phải tìm hiểu các vấn đề của học viên để xác định chính xác nhu cầu học của họ.

Thách thức thứ hai là làm việc với chuyên gia nội dung. SMEs thường có cả núi nội dung, cái gì cũng thấy quan trọng, phải truyền đạt. Trong khi đó, thời gian của người học có giới hạn, họ chỉ muốn học những gì thật sự cần thiết thôi. Và, với SMEs thì chỉ có nội dung mới là quan trọng, còn phương pháp truyền đạt là những thứ hoa lá cành, để trang trí thôi. Thiếu thời gian thì cứ thuyết giảng, cắt hết trò chơi, thảo luận này kia đi.

Vậy nên, sẽ có những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa ID và SMEs, mà SMEs hay ở thế cửa trên, kiểu “ID tụi bay có biết gì về nội dung đâu”. Nhưng ID mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho chất lượng của chương trình đào tạo, bạn không thể dĩ hòa vi quý được.

Thách thức tiếp theo là việc chuyển giao sản phẩm của mình cho giảng viên, ID dày công tâm huyết để xây dựng chương trình đào tạo, nhưng nếu giảng viên dạy không hay thì công sức của mình cũng đổ xuống sông xuống biển hết thôi. Ngoài việc đảm bảo tài liệu giảng viên phải đầy đủ, chi tiết, và rõ ràng thì ID còn phải xem giảng viên giảng thử (rehearsal) và kèm cặp giảng viên nữa.

Còn một vài thách thức nho nhỏ khác, nhưng thôi, kể nhiều e làm nản lòng những người đang muốn thử sức với công việc này.

thiết kế chương trình đào tạo

 

Tóm lại

Thiết kế chương trình đào tạo là một nghề tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Nghề này giúp cho việc học trở nên thú vị hơn, giúp cho các chương trình đào tạo trở nên thiết thực hơn, và giúp tạo thuận lợi cho các giảng viên.

Ba ưu điểm của nghề này là:

  • Cơ hội học hỏi
  • Sự sáng tạo
  • Sự linh hoạt

Những thách thức của nghề này là:

  • Xác định đúng nhu cầu của người học
  • Thuyết phục chuyên gia nội dung
  • Chuyển giao chương trình cho giảng viên

 

Nếu bạn quan tâm đến công việc này, mời bạn đón đọc bài tiếp theo, trong đó tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn về những yêu cầu đối với nghề này, cơ hội việc làm, và việc vận dụng các kỹ năng thiết kế chương trình đào tạo cho những người không chuyên.

 

thiết kế chương trình đào tạo

Tác giả: Chung Dương