Làm thế nào để trở thành ID chuyên nghiệp?

Trong bài trước tôi đã giới thiệu về nghề thiết kế chương trình đào tạo. Nếu bạn quan tâm đến nghề này thì hẳn bạn sẽ muốn biết thế nào để trở thành ID chuyên nghiệp? và nhu cầu đối với công việc này trên thị trường là như thế nào?

Cần học gì để trở thành ID chuyên nghiệp?

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có trường đại học nào có chuyên ngành thiết kế chương trình đào tạo, kể cả trong các trường sư phạm. Một số công ty đào tạo có cung cấp các chương trình đào tạo ngắn ngày (học trong khoảng 1 tháng). Bạn cũng có thể tham gia các chương trình học online của các đại học nước ngoài.

Để làm công việc của một ID, bạn cần tích lũy kiến thức chuyên môn nền tảng:

  • Khoa học về việc học (learning science): cách não bộ xử lý thông tin, các nguyên tắc học/ phương pháp học, các cấp độ học,… (Gagne’s Nine Events, Kirkpatrick’s Model of Evaluation, Bloom’s Taxonomy of Learning, Mayer’s Principles of Multimedia Learning)
  • Các mô hình thiết kế trải nghiệm học: ADDIE, SAM, MPI

Ngoài kiến thức chuyên môn thì một số kiến thức/ kỹ năng bổ trợ khác cũng rất quan trọng:

  • Kiến thức về nghiên cứu thị trường (phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin) – hữu ích cho việc tìm hiểu nhu cầu học
  • Kiến thức tổng quan về quản trị doanh nghiệp – hữu ích cho việc hiểu đúng vấn đề của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp đào tạo phù hợp
  • Tư duy phản biện – hữu ích cho quá trình lựa chọn nội dung để đáp ứng mục tiêu học
  • Tư duy sáng tạo – rất cần thiết trong quá trình thiết kế trải nghiệm học
  • Khả năng khái quát hóa (conceptualization skills): hiểu, nắm bắt và giải thích các ý tưởng phức tạp, khái niệm trừu tượng và mối liên hệ.
  • Kỹ năng viết
  • Kỹ năng quản lý dự án
  • Kỹ năng sử dụng công cụ soạn thảo (authoring tools) – cần cho việc xây dựng các khóa học e-learning

Nhìn chung, bạn có thể tích lũy kiến thức chuyên môn một cách nhanh chóng, thông qua các khóa học và tự nghiên cứu. Nhưng để trở thành một ID chuyên nghiệp đòi hỏi một quá trình thực hành để xây dựng kỹ năng. Bản thân tôi cũng không được đào tạo bài bản mà chủ yếu học thông qua quá trình làm việc và tích lũy kinh nghiệm.

ID chuyên nghiệp làm việc ở đâu?

Về mặt lý thuyết, cứ nơi nào có giáo dục, đào tạo thì đều cần có ID.

  • Trong các trường học (từ bậc mầm non cho đến đại học): Bên cạnh việc xây dựng nội dung chương trình khung (curriculum development) thì việc thiết kế các phương pháp giảng dạy cụ thể cũng rất hữu ích. Sẽ là lý tưởng nếu kết hợp ID với những người xây dựng chương trình (Curriculum Developers) – đóng vai trò SMEs – và giáo viên trong quá trình thiết kế nội dung bài giảng. Sự phối hợp này sẽ giúp cho học sinh, sinh viên học một cách hứng thú và hiệu quả hơn.
  • Trong các công ty đào tạo (chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo cho các doanh nghiệp): Mỗi doanh nghiệp phải đối mặt với những vấn đề khác nhau, vì vậy họ cần các giải pháp đào tạo kiểu “đo ni, đóng giày”. Để hiểu đúng nhu cầu của khách hàng và đề xuất được chương trình đào tạo phù hợp đòi hỏi sự tham gia của ID.
  • Trong các doanh nghiệp (thường là các doanh nghiệp tương đối lớn, có bộ phận L&D riêng): Có nhiều nội dung mang tính đặc thù mà doanh nghiệp không thể thuê dịch vụ bên ngoài hoặc đào tạo nội bộ sẽ hiệu quả hơn. Giảng viên nội bộ thường là kiêm nhiệm, tức là họ đảm nhận một công việc khác và giảng dạy chỉ là một nhiệm vụ được thêm vào, để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm với những đồng nghiệp khác. Vì vậy, giảng viên nội bộ không có nhiều thời gian, cũng không biết cách thiết kế khóa học. Trong trường hợp này, ID sẽ có vai trò rất quan trọng, vừa giúp cho nhiệm vụ của giảng viên nội bộ trở nên dễ dàng hơn, vừa giúp hoạt động đào tạo hiệu quả hơn.
    Ngoài ra, với xu hướng chuyển từ các lớp học trực tiếp sang e-learning ID sẽ là người có vai trò chủ chốt trong việc xây dựng các khóa học e-learning.
  • Trong các tổ chức phi chính phủ: Các tổ chức này thường có các hoạt động hỗ trợ các nước nghèo thông qua đào tạo, ví dụ như các chương trình phát triển năng lực quản lý cho chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, bình đẳng giới,… Các chương trình đào tạo này thường nhắm đến một lượng người học lớn, có thể ở nhiều nơi khác nhau nên cần xây dựng những chương trình đào tạo chuẩn để dễ dàng nhân rộng quy mô phục vụ.

Như vậy, ID chuyên nghiệp có thể làm việc ở các trường học, các công ty đào tạo, các doanh nghiệp, hay các tổ chức phi chính phủ.

Nhưng đó là trên lý thuyết thôi!

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, chỉ các doanh nghiệp lớn, phải tổ chức đào tạo nội bộ nhiều (cho nhân viên, khách hàng, đối tác) và một vài công ty đào tạo có vị trí ID. Từ trước đến nay, nhiệm vụ thiết kế khóa học thường được xem là trách nhiệm của giảng viên. Giảng viên phải đảm nhận quá nhiều vai trò (vừa là chuyên gia về nội dung, vừa thiết kế bài giảng, vừa giảng dạy) trong khi lại phải giảng dạy cho nhiều đối tượng học viên khác nhau nên họ khó có thể làm tốt việc thiết kế được. Kết quả là, trải nghiệm học của học viên thường chỉ gói gọn trong lớp học và không phối hợp được những chương trình có nhiều khóa học khác nhau.

Đọc tới đây có thể bạn sẽ cảm thấy nản lòng, Cái nghề không có nhiều cơ hội việc làm thì giới thiệu làm gì? Sự thật là nghề này giống như một thị trường ngách (niche), nó không lớn nhưng lại ít cạnh tranh!

Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi, việc học phải trở nên đa dạng và linh hoạt hơn, nhu cầu thị trường đối với công việc ID được dự báo sẽ tăng thêm đáng kể.

ID không chuyên

Nghề ID thì chưa phổ biến, nhưng nhu cầu thiết kế khóa học/ chương trình đào tạo thì lúc nào cũng có. Vậy nhu cầu này hiện đang được đáp ứng như thế nào?

Phần đông giảng viên, cả chuyên nghiệp lẫn kiêm nhiệm, vẫn phải tự xây dựng bài giảng. Các bạn làm trong bộ phận L&D của các doanh nghiệp thường phải tham gia vào một số giai đoạn trong quá trình thiết kế khóa học, chẳng hạn như đánh giá nhu cầu đào tạo, đánh giá hiệu quả đào tạo, phê duyệt nội dung đào tạo,… Giảng viên và những người làm L&D chính là những ID không chuyên.

ID không chuyên thường sẽ tham gia các khóa học ngắn hạn để trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Các bạn cũng có nhiều cơ hội để thực hành kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm. Do đó, nếu các bạn muốn trở thành ID chuyên nghiệp thì cũng rất thuận lợi.

Tóm lại là

  • Dù nhu cầu thị trường đối với công việc ID đang tăng, ở thị trường Việt Nam hiện tại thì chưa có nhiều cơ hội lắm. Nhưng trên thị trường cũng rất ít người làm nghề này, cho nên nhiều khi cầu ít nhưng cung vẫn không đủ.
  • Ở Việt Nam chưa có trường đại học nào đào tạo ngành ID, muốn học thì phải ra nước ngoài hoặc học các chương trình đào tạo từ xa. ID chuyên nghiệp chắc chắn cần tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế, nên bạn hoàn toàn có thể học các khóa ngắn hạn rồi học trong quá trình làm.
  • Để trở thành ID chuyên nghiệp thì bạn có thể đi từ không chuyên đến chuyên nghiệp. Chẳng hạn như bạn có thể làm chuyên viên trong bộ phận L&D hay làm giảng viên nội bộ trước.

Tác giả: Chung Dương